Hiểu về rối loạn giấc ngủ: Các loại rối loạn giấc ngủ, tác động và cách khắc phục
09/08/2023
Rối loạn giấc ngủ có thể gây trở ngại nghiêm trọng cho các hoạt động bình thường về thể chất, tinh thần bao gồm giảm hiệu suất làm việc, kém an toàn trong làm việc, đi lại, khó tập trung, tăng nguy cơ mắc các bệnh lý mạn tính, suy giảm trí nhớ,… Vậy rối loạn giấc ngủ là gì? Tác động và cách khắc phục tình trạng này ra sao? Hãy cùng tìm hiểu ở bài viết dưới đây nhé !!!
1. Rối loạn giấc ngủ là gì?
Rối loạn giấc ngủ là tình trạng thay đổi chất lượng và thời gian giấc ngủ bất thường, gây ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, tinh thần, giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh. Rất nhiều người từng gặp phải nhiều lần tình trạng khó ngủ, ngủ không sâu giấc, ngủ ít, ngủ thức giấc,…Tuy nhiên, nếu nó không kéo dài và xuất phát từ nguyên nhân bên ngoài như ánh sáng mạnh, tiếng ồn, chất kích thích,… thì không được gọi là rối loạn giấc ngủ.
2. Các loại Rối loạn giấc ngủ
Dưới đây là 6 dạng rối loạn giấc ngủ thường gặp :
2.1. Mất ngủ
Mất ngủ là tình trạng khó đi vào giấc ngủ vào ban đêm, lặp đi lặp lại trong nhiều ngày. Mất ngủ ở mỗi người có thể khác nhau như: chất lượng giấc ngủ không tốt, khó đi vào giấc ngủ, thức giấc nhiều lần trong đêm, thức dậy sớm, không có cảm giác ngủ sâu giấc, ngủ hoàn toàn, … Những người bị mất ngủ thường bị buồn ngủ quá mức vào ban ngày cũng như dễ bị các chứng suy giảm nhận thức khác trong khi đang thức.
Tình trạng rối loạn giấc ngủ này nếu kéo dài, diễn ra ít nhất ba lần mỗi tuần trong ít nhất ba tháng thì được xem là mất ngủ mãn tính.
2.2. Hội chứng ngưng thở khi ngủ
Chứng ngưng thở khiến người bệnh bị tắc nghẽn đường thở trên mỗi khi đi ngủ. Có 2 dạng ngưng thở khi ngủ chính là ngưng thở tắc nghẽn và ngưng thở trung ương. Ngoài ra, còn có chứng ngưng thở hỗn hợp là sự phối hợp hai loại trên.
Chứng ngưng thở khi ngủ có thể gây ra tình trạng buồn ngủ quá mức, mệt mỏi, uể oải, suy giảm nhận thức,… vào ban ngày.
2.3. Chứng ngủ rũ Narcolepsy
Chứng ngủ rũ là một dạng rối loạn giấc ngủ khiến người bệnh thấy mệt mỏi vào ban ngày dù đã được nghỉ ngơi đầy đủ vào đêm hôm trước. Điều này khiến cho bạn luôn trong trạng thái “thèm ngủ”. Đây là một bệnh mạn tính, có thể dễ dẫn đến trương lực mất cơ bất ngờ trong thời gian ngắn. Thậm chí, ngủ rũ và cơn mất trương lực cơ có thể xảy ra ở bệnh nhân bị u vùng não thất ba và thân não trong, chấn thương sọ não, viêm não, bệnh Niemann – Pick.
2.4. Hội chứng chân không yên (RLS)
Hội chứng chân không yên khiến người bệnh cảm thấy ngứa ngáy, đau nhói, khó chịu ở chân và có cảm giác muốn chân di chuyển ngay cả trong lúc ngủ. Trong một số trường hợp, người mắc hội chứng chân không yên có thể thấy khó chịu ở tay hoặc các bộ phận khác và sẽ cảm thấy dễ chịu hơn khi chân di chuyển.
2.5. Bệnh mất ngủ giả (Parasomnias)
Người bị Parasomnias có thể sẽ có những hành vi bất thường trước khi đi vào giấc ngủ hoặc trong giấc ngủ như: mộng du, nói chuyện trong khi ngủ, rên rỉ trong khi ngủ, gặp ác mộng, tè dầm,…
2.6. Rối loạn giấc ngủ nhịp sinh học (Circadian)
Đây là tình trạng khó đi vào giấc ngủ, thức dậy quá sớm nhưng không thể ngủ trở lại, thức dậy trong chu kỳ ngủ, …
Rối loạn giấc ngủ nhịp sinh học gồm các dạng như: rối loạn giai đoạn ngủ muộn, rối loạn giai đoạn giấc ngủ nâng cao, rối loạn giấc ngủ do làm công việc theo ca, nhịp điệu ngủ – thức không đều, hội chứng ngủ – thức không theo 24 giờ, …
3. Tác động của Rối loạn giấc ngủ
Rối loạn giấc ngủ có thể gây những ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe như:
- Chất lượng giấc ngủ không đảm bảo sẽ dễ mệt mỏi vào ban ngày, khó tập trung làm việc, học tập. Thậm chí cũng có thể gây ảnh hưởng đến tính mạng nếu bạn đang làm những công việc đòi hỏi tính tập trung cao
- Nguy cơ bị trầm cảm cao, sức khỏe tinh thần suy giảm, dễ thay đổi tâm trạng, trở nên cáu gắt bực bội vô cớ với những người xung quanh, …
- Tăng nguy cơ đau đầu, lâu ngày có thể dẫn đến trầm cảm làm người bệnh có cảm giác chán nản có thể có suy nghĩ tiêu cực không thiết sống.
4.Cách khắc phục Rối loạn giấc ngủ
Rối loạn giấc ngủ hoàn toàn toàn có thể được cải thiện bằng các biện pháp như thư giãn tâm lý, vệ sinh giấc ngủ và có thể là điều trị bằng thuốc.
4.1. Thư giãn tâm lý
Nên tạo thói quen đi ngủ sớm trước 11 giờ đêm, ngủ đủ 7 – 8 giờ trong ngày. Trước khi đi ngủ nên dành 30 phút để thư giãn tinh thần, không nên suy nghĩ về công việc, học tập hay các vấn đề cuộc sống chưa giải quyết được trong thời gian chờ ngủ.
4.2. Vệ sinh giấc ngủ
Bạn có thể thực hiện các biện pháp sau để giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ như:
- Ngủ và thức dậy đúng giờ
- Không ngủ quá nhiều vào ban ngày
- Tập thể dục buổi sáng
- Không sử dụng chất kích thích vào buổi chiều hoặc tối
- Không ăn quá no vào buổi tối và đặc biệt là trước thời gian ngủ
- Tạo điều kiện phòng thoáng mát, ít ánh sáng và nhiệt độ thích hợp
- Hạn chế kích thích tinh thần như: nghe nhạc quá to, xem phim hành động, …
4.3. Sử dụng thuốc điều trị
Khi sử dụng 2 biện pháp trên không cải thiện được tình trạng rối loạn giấc ngủ thì bác sĩ có thể sẽ kê thuốc để điều trị. Tuy nhiên cần lưu ý, tất cả các thuốc điều trị rối loạn giấc ngủ này phải sử dụng đúng theo chỉ định của bác sĩ, nếu không có thể tác dụng ngược.
Hy vọng rằng với những kiến thức trên về rối loạn giấc ngủ có thể sẽ giúp bạn cải thiện và bảo vệ sức khỏe bản thân cũng như những người xung quanh.