Tôi Sống Với Bệnh Trầm Cảm Và Tôi Không Hổ Thẹn
24/02/2021
Tôi Tên Là Wil Wheaton. Tôi sống với căn bệnh trầm cảm.Tôi đã mất hơn ba mươi năm mới có thể nói lên điều đó, và trong khoảng thời gian đó tôi đã chịu khá nhiều đau khổ.
Khi là một đứa trẻ, tầm khoảng bảy hay tám tuổi, tôi đã bắt đầu có những cơn hoảng loạn. Ngày đó, chúng ta còn chưa biết đó là gì, và bởi vì chúng thường xảy ra khi tôi đang ngủ, những người lớn nghĩ rằng tôi chỉ đang gặp ác mộng mà thôi. À thì, tôi đã gặp ác mộng, nhưng chúng còn hơn cả những giấc mơ xấu. Đêm này qua đêm khác, tôi sẽ bật dậy trong sợ hãi tột cùng, và đêm nối tiếp đêm, tôi sẽ tha chiếc chăn của mình khỏi giường, để đi qua ngủ dưới sàn phòng chị tôi, bởi vì tôi quá sợ phải ở một mình.
Cũng đôi khi có những giai đoạn nhẹ nhõm hơn, có khi kéo dài vài tháng, và trong những tháng ấy, tôi cảm thấy mình được làm một đứa trẻ bình thường, nhưng mà những cơn hoảng loạn luôn quay lại, và mỗi lần chúng quay lại thì còn tệ hơn trước.
Khi tôi khoảng mười hai hay mười ba, bệnh lo âu của tôi bắt đầu biểu hiện bằng nhiều cách hay ho làm sao.
Tôi lo lắng về mọi thứ. Tôi lúc nào cũng cảm thấy mỏi mệt, và hầu như mọi lúc tôi còn thấy khó chịu nữa. Tôi không có tí tự tin nào và lòng tự trọng thì kém cực kì. Tôi cảm giác mình không thể tin tưởng bất kì ai muốn tiếp cận tôi, bởi vì tôi cứ tin rằng mình ngu ngốc và vô giá trị và lí do duy nhất có ai muốn làm bạn tôi là vì họ muốn lợi dụng sự nổi tiếng của tôi.
Những cơn hoảng loạn xảy ra hàng ngày, và không chỉ khi tôi đang ngủ. Khi tôi cố nói với người lớn để được giúp đỡ, họ không để tâm. Khi tôi đang ở phim trường cho một chương trình truyền hình hay quảng cáo, và tôi cảm thấy khó thở bởi vì tôi đang rất lo âu liệu mình có phạm lỗi và bị sa thải? Các đạo diễn và nhà sản xuất than phiền với cha mẹ tôi rằng tôi đang làm khó họ. Khi tôi không thấy thoải mái với mái tóc hay hàm răng mình và không muốn tạo dáng cho buổi chụp ảnh tạp chí tuổi thành niên, những người làm quảng cáo nói với tôi rằng tôi là một đứa vô ơn và đang tự hủy hoại thành công của mình. Khi tôi không thể nhớ lời thoại, bởi vì tôi đang quá lo âu về điều gì đó mà tôi không nhớ nữa, thì các đạo diễn buộc tội tôi thiếu chuyên nghiệp và không chuẩn bị trước. Và đó là khi bệnh lo âu trở thành trầm cảm.
Tôi vật lộn để giảng hòa những sự việc trong cuộc sống của tôi với sự thật về sự tồn tại của mình. Tôi biết có gì đó không đúng ở tôi, nhưng tôi không biết đó là gì. Và bởi vì tôi không biết đó là gì, tôi không biết cách để hỏi xin sự giúp đỡ.
Ước gì tôi biết rằng mình mang bệnh tâm lý có thể chữa được! Ước gì tôi biết rằng những gì tôi cảm thấy không bình thường và không cần thiết. Ước gì tôi biết rằng tôi không đáng phải cảm thấy tệ, mọi lúc.Nhưng tôi không biết những điều đó.
Suốt những năm tôi hai mươi tuổi, tôi tiếp tục chịu đau khổ, không chỉ bởi những cơn ác mộng hay hoảng loạn. Tôi bắt đầu có những hành vi ám ảnh mà tôi chưa bao giờ nói đến. Đây là một danh sách ngắn: Tôi bắt đầu lo lắng rằng những gì tôi làm sẽ ảnh hưởng lên thế giới quanh tôi một cách vô lý. Tôi sẽ nhịn thở khi lái xe qua gầm cầu, bởi nếu không làm thế, có lẽ tôi sẽ tông xe. Tôi sẽ vỗ lên thành máy bay khi tôi lên máy bay, và nói nó hãy chăm sóc tôi, bởi tôi tin rằng nếu không làm vậy, máy bay sẽ rơi. Mỗi khi tôi tạm biệt ai mà tôi quan tâm, não tôi sẽ cho tôi thấy thật rõ ràng rằng đây là lần cuối tôi gặp họ. Nói đến những kí ức đó, kể cả khi không nói rõ chi tiết, cũng rất khó khăn. Thật đau đớn để nhớ lại, nhưng tôi không hổ thẹn, bởi vì những ý nghĩ ấy – may mà giờ đây tôi không có nữa, nhờ có khoa học y học và trị liệu – không phải là lỗi của tôi. Nó là một phần về tôi. Nó là phần về não bộ tôi hoạt động thế nào, và vì tôi biết được điều đó, tôi có thể chữa cho nó bằng y học, thay vì trở thành nạn nhân của nó.
Tôi nói ra điều này. Bởi vì:
Khi tôi nói về bệnh tâm lý của mình, là để tôi có thể thay đổi cuộc đời ai đó mà tôi ước ngày nhỏ mình có được, bởi không chỉ rằng tôi không hay biết gì về Trầm Cảm mãi tới khi tôi hai mươi, khi tôi biết chắc rằng mình đã mắc phải nó, thì tôi gánh chịu nó thêm mười lăm năm nữa, bởi vì tôi thấy hổ thẹn, thấy ngại ngùng, và thấy sợ hãi.
Bởi thế nên hôm nay tôi ở đây để nói với mọi người rằng: nếu bạn nghi ngờ mình đang mắc phải bệnh tâm lý, không lí do gì để bạn phải hổ thẹn, hay ngại ngùng, và quan trọng nhất là, bạn không cần phải sợ hãi. Bạn không cần phải chịu đau khổ. Không có gì cao quý trong đau khổ cả, và không có gì đáng hổ thẹn hay yếu đuối khi tìm đến sự giúp đỡ cả. Chúng ta có thể nhớ rằng, và ta có thể nhắc nhở nhau rằng, không có vạch đích nào cho bệnh tâm lý cả. Nó là một hành trình, và đôi khi chúng ta thấy con đường ta đang đi kéo dài tận chân trời, hoặc đôi khi ta chẳng thể nhìn xa hơn một mét trước mặt bởi sương mù dày đặc. Nhưng con đường vẫn luôn ở đó, và nếu ta không thể tự mình xác định nó, ta có những người yêu thương ta và các bác sĩ, chuyên gia tâm lý để giúp ta tìm lại nó, miễn là chúng ta không từ bỏ cố gắng nhìn thấy nó.
Cuối cùng, chúng ta, những người đang sống cùng bệnh tâm lý, cần phải nói về nó, bởi vì bạn bè và những người xung quanh ta biết ta là ai và tin tưởng ta. Tôi đứng đây để nói với bạn rằng bạn không đơn độc là một chuyện, nhưng các bạn chứng minh điều đó là một chuyện hoàn toàn khác. Chúng ta cần chia sẻ kinh nghiệm của mình, để cho ai đó đang chịu đau khổ tương tự như tôi đã từng sẽ không cảm thấy kì quái hay hư hao hay hổ thẹn hay sợ hãi mà tìm đến sự điều trị. Để cho các bậc phụ huynh không thấy rằng họ thất bại hay họ đã làm gì sai khi họ thấy những triệu chứng nơi con cái họ.
Mọi người nói rằng tôi thật dũng cảm khi nói ra, và dù tôi trân trọng điều đó, tôi không đồng tình với nó. Lính cứu hỏa dũng cảm. Những cha mẹ đơn thân phải làm nhiều công việc để chăm sóc con mình dũng cảm. Những sinh viên Parkland dũng cảm. Những người tìm đến sự giúp đỡ cho bệnh tâm lý của họ dũng cảm. Tôi không dũng cảm. Tôi chỉ là một tác giả và đôi khi là diễn viên muốn chia sẻ đặc quyền và may mắn của mình đến với thế giới, tôi mong rằng mình nói về bệnh tâm lý đủ nhiều để một ngày nào đó, nó không còn là điều đáng kể khi đứng lên và nói lên mười tám tiếng:
Tên tôi là Wil Wheaton, tôi sống với bệnh trầm cảm mạn tính, và tôi không hổ thẹn.
Liệu pháp tâm lý Perg nơi giúp bạn tìm ra NGUYÊN NHÂN gây nên trầm cảm và có phương pháp giúp KÍCH HOẠT- CÀI ĐẶT NÃO BỘ từ đó não bộ của bạn được cân bằng trở lại, mọi sự bất ổn của tâm lý sẽ được chuyển hóa ổn định trở lại.
LIỆU PHÁP TÂM LÝ PERG
Địa chỉ: Số 91B – ngõ 25 Vũ Ngọc Phan – Láng Hạ – Đống Đa – Hà Nội
Điện thoại: 0973.533.248 – 0247.300.0785
LIỆU PHÁP TÂM LÝ P.E.R.G
GIÚP BẠN CHUYỂN HÓA MỌI CẢM XÚC TIÊU CỰC THÀNH TÍCH CỰC!
Nguồn: https://medium.com/@wilw/my-name-is-wil-wheaton-i-live-with-chronic-depression-and-generalized-anxiety-i-am-not-ashamed-8f693f9c0af1