“Về mặt dịch tễ học, trên thế giới, tỉ lệ tự kỷ chỉ khoảng 1{74679c9b5c8d59bb6bed0eec2ae2583ea37cf8339476628e513743247b4c3e03}, vậy tại sao ở Việt Nam lại nhiều như thế? Việt Nam cũng được cho là nước duy nhất chữa được tự kỷ. Tại sao? Tại vì chúng ta chẩn đoán sai!”,tiến sĩ tâm lý Trần Thành Nam phát biểu tại bàn tròn thảo luận trong khuôn khổ Hội thảo tâm lý học đường quốc tế lần thứ 6 vào đầu tháng 8/2018 tại Hà Nội.
Tỉ lệ tự kỷ trên thế giới chỉ 1{74679c9b5c8d59bb6bed0eec2ae2583ea37cf8339476628e513743247b4c3e03}, tại sao ở Việt Nam nhiều thế?
01/07/2019
Với chủ đề “Vai trò của truyền thông trong việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về tâm lý học đường”, cuộc bàn tròn này có sự góp mặt của nhiều nhà chuyên môn như PGS. TS. Trần Thành Nam, trưởng khoa Các Khoa học Giáo dục (Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội), TS. Trần Bá Dung – trưởng Ban Nghiệp vụ – Hội nhà báo Việt Nam, Th.S Bùi Tiến Dũng – trưởng ban Quốc tế, Báo Tuổi Trẻ, TS. Lê Nguyên Phương – nguyên chủ tịch Liên hiệp phát triển Tâm lý Học đường Quốc tế, GS.TS. Phan Mai Hương – viện Tâm lý học…
Hiểu lầm và “tin giả”
Sau khi đưa ra thông tin đáng chú ý về tỷ lệ “được cho là” tự kỷ ở Việt Nam, tiến sĩ Nam giải thích: “Ở đây một phần liên quan đến những người làm chuyên môn nhưng không phải chuyên môn thực. Bên cạnh đó cũng có ảnh hưởng của truyền thông. Khi những thông tin, kiến thức, dấu hiệu về tự kỷ sai lệch được đưa lên báo, lên mạng, các giáo viên, phụ huynh đọc và họ cũng cho rằng mình là chuyên gia, mình có thể áp dụng những kiến thức đó lên con em, học sinh của mình, rồi chẩn đoán về bệnh nào đó”.
“Truyền thông như thế nhiều lúc gây khó khăn cho những người làm khoa học thực sự, và chúng tôi thì không biết kênh nào để chia sẻ hoặc để nhờ các anh chị đính chính về thông tin đó”, ông Nam băn khoăn.
Nhà tâm lý học cho rằng những thông tin về các dạng bệnh rối loạn, lo âu, trầm cảm hay những vấn đề tâm lý học đường được đưa lên truyền thông toàn là những trường hợp quá nặng, mất hết khả năng lao động hoặc không còn khả năng hành vi, hoặc như trong phim ảnh, văn học cũng toàn là nhân vật hư cấu, sát nhân máu lạnh, điều này làm cho cộng đồng dễ hiểu lầm.
“Cách phản ánh đó dẫn tới những cái nhìn không đúng, tiêu cực. Bởi về cơn bản, chúng ta cũng có những lúc lo âu, trầm cảm nhưng chúng ta cũng đã vượt qua và vẫn học tập, lao động, cống hiến cho xã hội, cho đất nước. Thế nên nếu truyền thông không cùng những nhà khoa học làm rõ vấn đề này, sức mạnh không được tổng thể thì sẽ có nhiều ảnh hưởng rất tiêu cực”, tiến sĩ Trần Thành Nam nêu vấn đề.
Ông bổ sung: “Một tình trạng nữa là trong bối cảnh này đang có nhiều fake news – tin giả, kể cả những nhà khoa học như chúng tôi nếu như không cẩn thận cũng bị lừa như thường. Ví dụ, cách đây không lâu có 1 tổ chức tâm thần nổi tiếng có nói rằng selfie quá nhiều trong 1 ngày cũng là bệnh tâm thần, thế thì cũng có 1 số người cũng là nhà khoa học họ tin luôn, rồi thêm một số trang đưa tin, thế là càng nhiều người chia sẻ…”.
Thạc sĩ Bùi Tiến Dũng kể, anh có trao đổi với PGS. TS. Trần Thành Nam thì anh Nam có nói một câu rất hay, đó là “báo chí có lẽ nên tập trung vào báo chí khoa học, tức báo chí chuyên sâu, báo chí chuyên biệt, báo chí chuyên ngành, những mảng mà chúng ta rất là yếu.
“Cách đây 2, 3 năm, 2015 thì chúng tôi có thực hiện 1 dự án đào tạo báo chí khoa học quốc tế cho các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam chúng ta, bao gồm 6 nước. Mỗi nước cử khoảng 7-8 nhà báo tham dự dự án trong vòng 2 năm, và chúng tôi sững sờ nhận ra rằng lâu nay chúng ta ít nhắc tới lĩnh vực báo chí khoa học và đặc biệt là lĩnh vực liên quan tới giáo dục, và nhất là tâm lý học đường.
Tôi nghĩ rằng việc kết nối, mà một trong số đó là kết nối giữa những kiến thức, kỹ năng tiên tiến, hiện đại, phát triển của thế giới để áp dụng vào trong thực tế tâm lý học đường Việt Nam, báo chí làm chưa được tốt lắm.
Kết nối giữa các chuyên gia trong lĩnh vực này để họ nói những vấn đề học thuật, khoa học cho những người dân bình thường để họ có thể nghe và hiểu, có lẽ chúng tôi cũng chưa làm tốt lắm.
Tôi mong các các chuyên gia thực sự ở đây phải có cách nào đó có thể giúp chúng tôi tự mình lớn lên thêm chút nữa. Nghĩa là chính các nhà báo phải xóa mù tâm lý học đường trước rồi sau đó mới viết được”.
Mở rộng vấn đề, TS. Lê Nguyên Phương đề cập câu chuyện tại Hoa Kỳ, truyền thông được chia ra các mảng khác nhau.
Truyền thông có những tờ báo lớn, uy tín, trong đó có những mục hoạt động được các chuyên gia chú trọng, cộng tác thường xuyên. Những bài báo đó không phải nghiên cứu, không phải khoa học nhưng giá trị khoa học rất cao.
Dạng thứ 2 là những trang mạng của những tổ chức thì cũng rất đầy đủ thông tin chính xác, có bề dày tìm hiểu khảo chứng bởi chuyên gia hay những hội đồng chuyên môn đi kèm của tổ chức đó.
Dạng 3 là chính quyền, chính quyền cũng có những tổ chức dạng như CDC họ cũng có những thông tin rất chi tiết để phụ huynh, quần chúng nói chung có thể tham khảo.
Nhưng phụ huynh thực sự không cần tới những nguồn thông tin đó nhiều bởi vì sự trợ giúp trong nhà trường và những tổ chức phi lợi nhuận trong bang, tiểu bang quá chu đáo. Cho nên khó mà nói vai trò của truyền thông có ảnh hưởng như nào đến phụ huynh khi mà phụ huynh được bảo vệ trong 1 tuyến cung cấp dịch vụ như vậy.
“Ở Mỹ, fake news cũng rất nhiều nhưng rất may là chuyên gia đã có vai trò nhất định trong việc tư vấn, hỗ trợ cho phụ huynh”, TS. Lê Nguyên Phương khẳng định.
TS. Trần Bá Dung đưa ra những điểm truyền thông, báo chí cần lưu ý trong tâm lý học đường:
1. Thông tin rộng rãi, phản ánh thực trạng của sự việc, vấn đề đến toàn xã hội.
2. Phía sau phản ánh thực trạng chính là cảnh báo. Vừa phản ánh và cảnh báo cho người dân. Bổ sung kiến thức và cung cấp sự hiểu biết về các vấn đề để từ đó mọi người có thể có phương pháp tránh cho con cái khỏi các tình huống như vậy.
4. Vai trò định hướng cho các đối tượng nhà trường, cha mẹ để giáo dục con em.
5. Góp phần tạo dựng, gợi ý, xây dựng chính sách của nhà nước, trong ngành giáo dục, hội bảo vệ quyền trẻ em.
Nhà báo – nhà khoa học cần tìm đến nhau
Ở khía cạnh vai trò của nhà khoa học với việc đưa thông tin xác thực, gần gũi hơn đến công chúng, theo TS. Trần Thành Nam: “Chúng ta cần có sự kết nối, có những cách thức để giới chuyên gia cùng giới truyền thông mang tới nguồn thông tin chính thống”.
“Chúng ta đều thấy rằng nhà báo có nguyên tắc đạo đức và nguyên tắc kỹ thuật của nghề nghiệp và sự bất cập, sai lệch của thông tin, dù có được xem là chuyện thường nhưng đấy vẫn thuộc về chuyên môn của nhà báo và họ phải có trách nhiệm, tự chịu trách nhiệm về việc đó.
Ngược lại, ở phía các nhà khoa học, chúng ta thấy những chuyên gia tâm lý học đường họ cũng có những nguyên tắc nghề, nguyên tắc đạo đức, nguyên tắc trong chuyên môn và yêu cầu về mặt kỹ thuật của họ. Nếu cả 2 đối tượng này đều làm tốt những điều này thì sẽ có cách bảo vệ thân chủ, bảo vệ học sinh, đảm bảo những yếu tố tốt nhất cho người học”.
TS. Trần Bá Dung cho rằng: “Ngoài kết nối ra tôi mong muốn, từ nay chúng ta còn có vai trò phản biện, không chỉ là nhà báo tìm đến các nhà khoa học mà các nhà khoa học hãy đến với báo chí nhiều hơn, nếu các anh/chị thấy bài báo nào đưa không đúng, hãy phản biện, hãy gửi phản hồi đến cho chúng tôi, hay đăng lên mạng xã hội như facebook cá nhân của mình. Việc này giúp cho báo chí tránh được những sai sót, sai lầm, ác ý hay đơn giản chỉ là sự vô tình”.
PGS. TS. Nguyễn Thị Phương Hoa, tác giả cuốn sách Khi mây đen kéo tới về đề tài trầm cảm:
“Tôi đồng ý với PGS. TS. Trần Thành Nam về việc tự kỷ chỉ có ở Việt Nam chữa được. Chúng ta dùng các từ này nhưng không hiểu hết được ý nghĩa của thuật ngữ, đôi khi hiểu sai thuật ngữ chỉ bệnh thì vẫn đề sẽ khác, trạng thái cảm xúc cá nhân sẽ khác. Nên đôi khi gây ra nhầm lẫn và điều này rất khó để chúng ta trách các nhà báo, chúng ta cần nâng cao trách nhiệm của nhà báo.
Tôi cũng đồng ý là việc đưa tin giật gân rất là nhanh còn đưa tin tốt thì khó, nhưng ngược lại, có một số nội dung, báo giới rất thụ động trong việc đưa tin trong khi trên mạng xã hội, cộng đồng mạng đều lan truyền rất mạnh mẽ, mà đôi khi đó là những nội dung tuy nhỏ, nhưng mang tính giáo dục cộng đồng, giáo dục con trẻ rất ý nghĩa.
Và cái cuối cùng đó là cái mà chúng ta đang thiếu là cái mà như anh Lê Nguyên Phương nói, ở Mỹ có, chúng ta chưa có. Đó là bây giờ nhà tâm lý học làm gì? Ví dụ bây giờ phòng tâm lý học đã được thành lập, có văn bản quy định, nhưng chưa có mã ngành, mã nghề, không biết hoạt động như thế nào. Người làm nghề không biết làm gì. Thì phải làm thế nào để chúng ta giải quyết được việc này.
Còn đối với báo giới, tôi nghĩ là khi đưa tin về trẻ em, thì hãy nghĩ ngay đến con của mình, em của mình, hãy nghĩ ngay đến bản thân mình hồi bé thì các bạn sẽ biết mình sẽ nên đưa cái gì. Hình ảnh các em có nên đưa hay không? Thân phận các em có nên nói hay không? Sự phức tạp trong mối quan hệ gia đình có nên khai thác hay không? Chúng ta đừng nghĩ rằng chúng ta lên một bài báo, có cảnh đánh nhau, chúng ta che mờ khuôn mặt các em đi là chúng ta đang bảo vệ, mà ngược lại, đó là chúng ta đang cổ súy cho việc bạo lực”.
Nguồn: IPICK.VN