“THÔI MIÊN” TRẺ BẰNG NGÔN TỪ VÀ HỆ LỤY

  29/03/2020

Mình từng được nghe về một phương pháp thôi miên trẻ bằng ngôn từ, tức là nếu hàng ngày bạn nói với trẻ rằng:

Con là em bé tốt bụng, con là người anh có trách nhiệm- rất biết nhường em, con là một đứa trẻ tài giỏi, thông minh, dũng cảm…thì đứa trẻ  sẽ như thế thật. Rất nhiều người đã kiểm chứng là đúng thế. Cũng có sách khẳng định thế, gọi đó là lập trình ngôn ngữ tư duy. Nhưng liệu điều này có tác dụng phụ phương pháp thôi miên bằng ngôn từ gì không?

Đầu Tiên Hãy Nói Đến Việc Tại Sao Nó Hiệu Quả.

Một đứa trẻ không sinh ra với một tính cách có sẵn. Nó tương tác với môi trường xung quanh, nhận phản hồi và chọn chiến lược nhân cách sao cho nó được yêu quý- hay nói cách khác là có lợi nhất để sinh tồn.

Ví dụ: khi một đứa trẻ mới sinh ra, mẹ thường hay bắt chước ê a theo tiếng em bé. Nhưng đến một thời điểm, đứa bé bắt đầu bắt chước mẹ “nói chuyện” lại với mẹ. Khi đứa bé ê a thì sẽ được thích, nó tiếp tục ê a với mẹ để được mẹ yêu thích.

Một ví dụ khác: người ta thường nói “con rạ thông minh hơn con so”- ý nói đứa con thứ thường thông minh hơn đứa con đầu lòng. Nhưng thực ra không phải vậy! Khoa học phân tích tâm lý thấy rằng khi đứa con đầu lòng được sinh ra, nó nghiễm nhiên trở thành trung tâm của gia đình, nó chẳng cần phải làm gì nhiều để được chú ý. Trong khi đứa trẻ thứ 2 được sinh ra, nó ý thức được rằng “mình có 1 đối thủ cạnh tranh” vì thế nó cần nhiều chiến lược hơn để thu hút sự chú ý, nên đứa thứ 2 thường khôn hơn, lẻo mép hơn, biết làm nũng hơn. Hoàn cảnh xô đẩy cả! Nó cũng biết anh/chị nó làm gì thì bị phạt để tránh không làm điều tương tự.

Vì từ khi là một đứa trẻ, chúng ta tìm kiếm sự công nhận và yêu thương. Do đó sự phản hồi từ môi trường bên ngoài- đặc biệt là từ bố mẹ rất quan trọng.

Nếu bố mẹ nói với đứa trẻ: con bé này ngoan lắm, chắc nó biết thân biết phận bố mẹ hay phải đi làm nên nó không khóc đâu- đứa trẻ sẽ như thế thật. Bạn này bạn í người lớn lắm, rất nhường em- đứa trẻ sẽ như thế thật. Ôi zời ôi! Con bé này nó ghê lắm, không ai lấy được của nó cái gì đâu- đứa trẻ sẽ như thế thật.

Nhưng Hệ Lụy Thôi Miên bằng Ngôn Từ Là Gì?

Đứa trẻ có thể thành công, tài giỏi, trách nhiệm, dũng cảm, tự tin như cách bố mẹ nó vẫn nói với nó. Nhưng nó có hạnh phúc với điều đó không?

Nếu bạn nói với một đứa trẻ: con là một người chị có trách nhiệm, luôn nhường nhịn em- đứa trẻ đó sẽ thể hiện như vậy. Nhưng bên trong nó cũng có nhu cầu được làm nũng, được thả lỏng, được tự do… và mỗi khi nhu cầu đó xuất hiện, nó tự nói với mình rằng “không được như vậy, như vậy là sai, như vậy sẽ không ai yêu mình…” Nó tiếp tục kìm nén những nhu cầu đó.

Tương tự, nếu một đứa trẻ được cho là mạnh mẽ có thể nó cảm thấy rất tồi tệ mỗi lần mình yếu đuối, không cho phép mình yếu đuối và ngăn chặn mọi nguy cơ khiến mình tổn thương- đồng nghĩa với việc không dám sống thật với cảm xúc của chính mình.

Một đứa trẻ được cho là tự tin ghét bỏ chính mình mỗi lúc tự ti, dù nó không bao giờ thể hiện ra…

Mình vẫn nhớ trong bộ phim hoạt hình Inside Out, khi đứa trẻ luôn được bố mẹ gọi là “ ôi, cô bé vui tươi của bố đây rồi”, “cảm ơn con, nhờ sự vui tươi của con mà mẹ cảm thấy thật yên tâm”…nghe có gì sai đâu nhỉ. Nhưng đứa bé trong bộ phim đó, nó không cho phép mình được buồn. Buồn là cái gì đấy rất sai trái, nó dồn nén nỗi buồn đến mức trầm cảm.

“Thôi miên” trẻ bằng ngôn từ rất nhiều trong khóa học thành đạt. Nhưng bạn muốn một đứa con thành đạt hay một đứa con hạnh phúc?

Vì thế hãy cẩn thận lời nói của bạn với những đứa trẻ. Hãy nói với nó buồn cũng không sao cả, yếu đuối cũng không sao cả, con sợ là đúng thôi…CHẤP NHẬN mọi thứ đều có cả 2 mặt, khi đó mới có sự CÂN BẰNG, BÌNH YÊN. Chấp nhận bản thân như mình vốn là, chấp nhận thế giới như nó vốn thế.

BẠN ĐANG LÀ CÁI BẠN ĐÃ LÀ,

BẠN SẼ LÀ CÁI BẠN ĐANG LÀ.

Theo Huong Ann-Tamly#trilieu.

Nếu bạn muốn tìm hiểu rõ hơn về liệu pháp tâm lý PERG, bạn có thể tham khảo trang web dưới đây nhé:

http://perg-nangluongtamthe.com/

http://tramcamhocduong.com

Bạn có thể tham khảo thêm các bài viết hay khác trên trang:

STRESS GÂY HẠI ĐẾN CUỘC SỐNG CỦA BẠN RA SAO

Icon-Zalo Zalo Icon-Messager Messenger Icon-Youtube Youtube Icon-Instagram Tiktok