Tại sao bạn luôn cảm thấy thiệt thòi và bất an trong tình yêu?!

  04/04/2024

Bạn có bao giờ luôn cảm thấy mình bị bỏ lại, người kia có thể rời xa mình bất kỳ lúc nào, luôn suy nghĩ quá nhiều về mối quan hệ và nghĩ người kia không yêu thương, bản thân không quan trọng…? Những bất an trong tình yêu đó cứ diễn ra hằng ngày và khiến bạn tự “giết chết” mối quan hệ của mình. Vậy làm thế nào để bạn trở nên an toàn hơn? Hãy cùng Tâm lý PERG tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây!

 

Tại sao bạn luôn cảm thấy bị bỏ rơi và thiệt thòi?

Bạn luôn cảm thấy bất an trong tình yêu và suy nghĩ quá nhiều (overthinking) về những điều tiêu cực xảy ra trong mối quan hệ?! Mọi hành động, trạng thái, lời nói của người đó đều khiến tâm trạng bạn lên xuống thất thường. Bạn cảm thấy mệt mỏi nhưng vẫn cố níu kéo mối quan hệ, không thể rời xa họ. 

Đừng lo lắng hay hoảng sợ, chỉ là cách tiếp cận của bạn trong tình yêu thuộc kiểu Gắn bó Lo âu – bạn luôn mong muốn sự khẳng định chắc chắn của đối phương.

Gắn bó Lo âu là một trong 4 kiểu gắn bó trong các mối quan hệ được nghiên cứu bởi Nhà Tâm lý học John Bowlby (bao gồm: An toàn, Lo âu, Né tránh, Lo âu – Né tránh).  

Đọc thêm: Thuyết gắn bó tâm lý và xu hướng gắn bó của bạn trong các mối quan hệ 

Những người thuộc kiểu Gắn bó Lo âu trải qua một tuổi thơ thiếu thốn tình yêu thương. Trẻ không được đáp ứng những nhu cầu về mặt cảm xúc như được lắng nghe, chia sẻ, cảm thông,… Khi trẻ không được công nhận và thiếu thốn tình thương khiến chúng sẽ cố gắng để được cha mẹ chú ý và quan tâm. Từ đó, khiến họ vô tình làm mọi cách để có được tình yêu của người khác.

Khi bạn thuộc kiểu gắn bó Lo âu, cảm xúc thường có trong một mối quan hệ của bạn sẽ là sự bất an trong tình yêu. Bạn luôn cảm thấy lo lắng đối phương sẽ bỏ rơi mình, bản thân không được đối phương yêu thương, suy nghĩ quá nhiều về mọi hành động của họ. Nhưng thực ra sâu bên trong bạn chỉ khao khát yêu và được yêu thương, bạn chỉ muốn được an ủi và vỗ về. Bạn thực sự rất muốn một mối quan hệ lành mạnh và yêu thương, nhưng càng muốn bạn lại càng tự tay làm đổ bể hết.

Theo khảo sát từ The Washington Post cho thấy khoảng 20{74679c9b5c8d59bb6bed0eec2ae2583ea37cf8339476628e513743247b4c3e03} dân số thế giới thuộc kiểu Gắn bó Lo âu, tức là bạn đừng quá lo lắng hay sợ hãi về kiểu gắn bó trong tình yêu của bản thân, bởi bên ngoài kia vẫn còn rất nhiều người cũng gặp tình trạng tương tự bạn.

Dấu hiệu nhận biết bạn đang thuộc kiểu Gắn bó Lo âu

Bạn luôn nghĩ rằng mình là người bị bỏ lại trong mối quan hệ

Nếu từng bị bỏ rơi ở mối quan hệ cũ, bạn sẽ bước vào mối quan hệ mới với những nỗi lo lắng rằng mình sẽ gặp nhiều vấn đề, mọi lỗi lầm đều là của mình, sợ lại bị tan vỡ. Thế nên bạn sẽ yêu nhiều hơn, cho đi nhiều hơn, nghĩ nhiều hơn, “bám dính” lấy họ để khao khát tình yêu và sự công nhận.

Bạn không thể chấp nhận được một người rời khỏi cuộc sống của bạn, bởi vốn dĩ bạn không thể tự chữa lành được cho bản thân nếu không có tình yêu thương của một người khác. 

Chính sợ bị bỏ rơi dẫn đến trong mối quan hệ bạn thường có xu hướng:

  • Nghi ngờ tình cảm của đối phương dù mọi thứ đang diễn ra vô cùng tốt đẹp
  • Không muốn/Sợ phải chấm dứt mối quan hệ rất toxic hoặc đang diễn ra vô cùng tồi tệ
  • Quên mất cảm giác hạnh phúc trong tình yêu.

Lòng tự tôn thấp (low self-esteem), luôn cho rằng mình là người tồi tệ trong mối quan hệ

Do quá khứ không được chấp nhận, khiến bạn có lòng tự tôn thấp (low self-esteem), bạn cảm thấy không tự tin vào chính mình, luôn đổ lỗi cho bản thân, cho rằng bản thân không xứng đáng được hạnh phúc dù nửa kia đã cho bạn biết rằng bạn rất tuyệt vời trong mắt họ. Từ đó khiến bạn cảm thấy bất an trong tình yêu.

Chỉ cần đối phương trả lời tin nhắn chậm cũng khiến bạn suy nghĩ rằng bản thân đã làm điều gì có lỗi. Trong bất kể chuyện gì xảy ra, bạn cũng luôn nghĩ đó là lỗi của bản thân và nói lời “Xin lỗi” dù đó không phải là lỗi của bạn.

Phân tích thái quá về hành động của đối phương

Chỉ một dòng tin nhắn khác với bình thường, một hành động nhỏ vô ý của đối phương cũng sẽ khiến bạn nghĩ rằng đối phương không còn thương yêu mình. Trong một số trường hợp sẽ dẫn đến sự ghen tuông kiểm soát và ghen tuông quá mức. Bạn sẽ bắt đầu tra khảo đối phương và thậm chí nghi ngờ rằng họ đang nói dối bạn. Và vô tình bạn đang “bóp nghẹt” đối phương, khiến cả hai rơi vào trạng thái ngột ngạt, kiệt sức bởi sự lo âu thái quá của bạn.

Liên tục cần sự khẳng định của đối phương

Những câu hỏi như “Tại sao anh lại chọn em?”, “Anh có yêu em không?”, “Em có gì đặc biệt không?”, “Anh có thấy em xinh không?” được hỏi với tần suất quá mức bởi bạn tự ti với chính mình và cần một lời khẳng định đầy an tâm đến từ người kia. 

Đôi khi bạn cũng cố tình sử dụng những chiêu trò thử lòng bạn trai để mong muốn nửa kia níu kéo và chứng minh tình yêu với mình.

Sự việc diễn ra liên tục và thái quá sẽ khiến đối phương cảm thấy bị áp lực và ngày càng mệt mỏi trong chính mối quan hệ. Điều này cũng vô tình biến mối quan hệ của bạn từ hạnh phúc thành gò bó và ép buộc.

Phớt lờ những điểm tiêu cực của đối phương

Nhiều trường hợp gắn bó lo âu khao khát tình yêu đến mức họ sẵn sàng ở trong một mối quan hệ toxic và hủy hoại bản thân. Dẫu biết một khi đã thực sự yêu một ai đó thì chúng ta cũng cần yêu thương và chấp nhận con người thật và những điểm chưa hoàn hảo của họ. Tuy nhiên, yêu thương không đồng nghĩa với việc chúng ta cố tình phớt lờ đi những điều tồi tệ mà họ đã gây ra cho chúng ta. 

Thậm chí nhiều người gắn bó lo âu còn sẵn sàng chịu bạo hành cả về thể chất lẫn tinh thần chỉ bởi vì họ khao khát có một người ở bên cạnh. 

Làm thế nào để yêu thương bản thân và trở nên an toàn hơn?

Bạn đã bao giờ tự hỏi rằng tại sao có những người ngoài kia dù chuyện yêu đương không được thuận lợi thì họ vẫn vui vẻ và hạnh phúc trong khi bản thân luôn cảm thấy bátan trong tình yêu không? Đó là bởi vì họ đủ yêu thương bản thân và cảm giác vô cùng an toàn, thoải mái trong các mối quan hệ.

Bạn cũng có thể trở thành một người tích cực và hạnh phúc như vậy!

Nhận biết về cảm xúc của bản thân

Trước hết bạn hãy tìm hiểu về Gắn bó lo âu từ mạng xã hội, google hay sách báo để hiểu hơn về tâm lý của mình.

Đây cũng là bước đầu bạn làm việc với lòng tự trọng và sự tự tin, vì càng mặc cảm tự ti bạn sẽ càng trở nên dựa dẫm. Bạn có thể:

 

  • Thử làm mọi thứ một mình. Bạn đừng lo sợ rằng mình sẽ không thể làm mọi thứ một mình hay bị đám đông cười chê. Đôi khi việc làm mọi thứ một mình sẽ đem đến cho bạn sự yên tĩnh và thư thái nơi tâm hồn. Hãy thử đi xem phim một mình, đi cà phê một mình, đọc sách một mình thay vì với người yêu như trước kia.
  • Không ngừng nâng cấp bản thân, như học một ngoại ngữ, chơi thể thao, đọc 1 cuốn sách,… thay vì dốc toàn lực nâng cấp mối quan hệ.
  • Duy trì mọi sở thích của bạn từ lúc còn độc thân và học cách vui vẻ khi không có ai bên cạnh. Bạn cần tự nhủ rằng: chính bạn cũng có thể khiến cuộc sống của bạn đầy màu sắc và tiếng cười chứ không cần phụ thuộc vào bất kỳ ai.

Kiểm soát nỗi lo lắng, bất an của mình

Một khi các dấu hiệu bất an trong tình yêu ập tới, bạn hãy trấn tĩnh bản thân, hít thở thật sâu và suy nghĩ đến những điều tích cực hơn. Thậm chí bạn hãy giữ im  lặng để suy nghĩ lại và trấn an lại cảm xúc của bản thân.

Bạn cũng hoàn toàn có thể chia sẻ thẳng thắn với đối phương về cảm nhận của bản thân để mong nhận được sự thông cảm và giúp đỡ từ họ.

Học cách trở nên an toàn từ những người an toàn

Đôi khi chúng ta không biết cách yêu là bởi vì chúng ta chưa được trải qua tình yêu thực sự. Bạn hoàn toàn có thể tìm đến những người thuộc kiểu gắn bó an toàn để hẹn hò hoặc trò chuyện với họ về cách họ ứng xử khi yêu. Từ đó, bạn hãy thử thay đổi bản thân và trở nên cởi mở hơn trong mọi mối quan hệ:

  • Dễ dàng bày tỏ cảm xúc thật của chính mình cho người yêu, như tổn thương, thất vọng, giận dữ,…
  • Tâm lý vững vàng và ổn định trong tình cảm, không lên xuống thất thường.
  • Giải quyết vấn đề thông minh và có khả năng “lành vết thương” nhanh hơn sau các cuộc cãi vã.

Bạn cũng có thể áp dụng để có được một tình yêu lành mạnh như:

  • Giao tiếp lành mạnh: Chia sẻ thẳng thắn những nhu cầu cảm xúc và tâm lý của mình cho đối phương ngay khi bắt đầu mối quan hệ và tình cảm chưa quá nhiều.
  • Dành cho nhau không gian riêng: Tôn trọng thời gian riêng tư của nhau. Tình yêu không phải là lúc nào hai bạn cũng “dính lấy” nhau, đôi khi bạn cũng cần để đối phương có khoảng “nghỉ” để “nhớ” nhiều hơn.
  • Tin tưởng vào đối phương: Tin tưởng vừa giúp bản thân bạn nhẹ lòng, vừa giúp đối phương thoải mái hơn trong tình yêu của 2 bên.

 

Việc cảm thấy quá lo lắng và bất an trong một mối quan hệ là điều có thể cảm thông bởi chúng tôi đều hiểu bạn đã trải qua những gì. Quan trọng là bạn hãy nhận thức được vấn đề của mình, chữa lành và yêu thương bản thân hơn. Từ đó, giúp xây dựng những mối quan hệ lành mạnh và tích cực.

Nếu nhận thấy bản thân, người thân, bạn bè có các dấu hiệu của gắn bó lo âu, có triệu chứng bất thường ảnh hưởng đến tâm lý cần đưa họ đến gặp bác sĩ tâm lý ngay để được tư vấn và điều trị. Trên hết, sự đồng cảm, quan tâm, lắng nghe đến từ gia đình và bạn bè là động lực quan trọng giúp bệnh nhân có thể cải thiện bệnh tốt hơn.

____________

CÔNG TY ƯDNL TÂM THỂ P.E.R.G tại Việt Nam

Địa chỉ: Số 91B – ngõ 25 Vũ Ngọc Phan – Láng Hạ – Đống Đa – Hà Nội

Điện thoại: 0973.533.248 – 0247.300.0785

Fanpage: PERG hỗ trợ điều trị TRẦM CẢM , RỐI LOẠN LO ÂU

LIỆU PHÁP TÂM THỂ P.E.R.G

GIÚP BẠN CHUYỂN HÓA MỌI CẢM XÚC TIÊU CỰC THÀNH TÍCH CỰC!

Nếu bạn muốn tìm hiểu rõ hơn về liệu pháp tâm thể PERG, bạn có thể tham khảo trang web dưới đây:

https://tamlyperg.vn

Icon-Zalo Zalo Icon-Messager Messenger Icon-Youtube Youtube Icon-Instagram Tiktok