Bạo hành lời nói: Khi ngôn từ trở thành nỗi ám ảnh
16/03/2024
Ngày nay, dưới những áp lực của cuộc sống, con người càng dễ dàng làm tổn thương nhau bằng nhiều hình thức và hình thức bạo lực ngôn từ ngày càng trở nên phổ biến. Bạo hành lời nói tuy không để lại những vết thương ngoài da nhưng lại để lại những tổn thương sâu sắc trong tâm lý nạn nhân. Hãy cùng Tâm lý PERG tìm hiểu về về bạo lực bằng lời nói qua bài viết dưới đây nhé!
Hiểu thế nào về bạo lực lời nói?
Bạo hành bằng lời nói (hay bạo lực ngôn từ), tiếng Anh là Verbal Abuse, là một hình thức làm tổn thương tinh thần thông qua việc sử dụng lời nói, ngôn ngữ cực đoan hoặc sự im lặng để đả kích hoặc tấn công đối phương.
Bạo hành lời nói có thể được biểu hiện qua nhiều hình thức khác nhau như lăng mạ, chửi bới, phán xét, áp đặt lên người khác bằng lời nói khó nghe. Thông thường, tình trạng bạo hành này sẽ được biểu hiện qua các dạng phổ biến như cố ý tiết lộ thông tin cá nhân, suy nghĩ của người khác, cố ý đổ lỗi cho đối phương về những việc ngoài ý muốn, phản bác lại những ý kiến, trải nghiệm của đối phương. Trong nhiều trường hợp, người bạo hành cũng tác động đến tâm lý thông qua việc im lặng hoặc không trực tiếp. Tức là họ sử dụng ánh mắt phán xét, nói xấu sau lưng hoặc thái độ lạnh nhạt để gây tổn thương đối phương theo ý muốn của mình.
Bạo lực lời nói tuy không để lại những thương tích bên ngoài như các hành vi bạo lực thể chất thông thường nhưng trong thời gian dài sẽ dần làm nạn nhân trở nên tiêu cực, bất an, mất niềm tin và thậm chí, xuất hiện các bệnh tâm lý nghiêm trọng.
Các biểu hiện của bạo lực lời nói
Bịa đặt những câu chuyện xấu cho người khác
Nhiều kẻ bạo lực lời nói đôi khi sẽ bịa đặt những câu chuyện không có thật để nói xấu và cô lập nạn nhân. Những kẻ bạo lực thường sẽ chú ý vào những đặc điểm xấu của nạn nhân để đặt biệt danh hoặc thổi phồng lên để đạt được mục đích thỏa mãn sở thích cá nhân.
Trêu ghẹo
Những đối tượng này thông thường sẽ có sở thích trêu đùa và nói đùa một cách quá đáng dựa trên những khuyết điểm hoặc thất bại của người khác. Thậm chí là sử dụng những ngôn từ mỉa mai, châm biếm, đay nghiến khiến nạn nhân thấy không thoải mái.
Thường xuyên to tiếng
Việc la hét, nói chuyện lớn tiếng hoặc sử dụng những từ ngữ, lời nói không lịch sự, thô lỗ để trò chuyện cùng người khác cũng là một hành vi bạo lực bằng lời nói.
Luôn chỉ trích
Bất kể là ở đâu, những kẻ bắt nạt sẽ sử dụng những lời nói chỉ trích không mang tính xây dựng, áp đặt lên nạn nhân. Điều đó sẽ khiến đối phương cảm thấy bị xúc phạm, bị hạ nhục danh dự và tổn thương sâu sắc.
Đe dọa
Đây cũng là một hình thức phố biến của những kẻ bắt nạt. Những đối tượng này sẽ có xu hướng sử dụng ngôn từ để đàn áp và khủng bố nạn nhân, khiến nạn nhân luôn sống trong nỗi sợ hãi.
Buộc lỗi
Nhiều đối tượng bắt nạt còn có hành vi mặc định lỗi cho một đối tượng nào đó mà chưa có sự phân định đúng sai, hoặc thậm chí nạn nhân còn không gây ra lỗi đó.
Bạo lực bằng lời nói gây những nỗi đau vô hình
Vì biểu hiện của bạo lực ngôn từ lên nạn nhân không để lại rõ ràng như bạo lực bằng hành động nên chỉ có nạn nhân mới hiểu được nỗi đau và cảm giác tiêu cực đó tồi tệ đến nhường nào. Tuy nhiên, phần lớn những người xung quanh sẽ không đồng cảm mà cho rằng nạn nhân đang biểu hiện một cách thái quá.
Trong thời gian dài bị đả kích bằng lời nói sẽ khiến nạn nhân chịu tác động nặng nề về mặt cảm xúc và tâm lý. Họ sẽ dần trở nên tự ti, buồn rầu, trầm cảm, chán nản, tuyệt vọng và nảy sinh những suy nghĩ tiêu cực. Từ đó, họ sẽ dần trở nên khép mình và hạn chế tiếp xúc với các mối quan hệ xã hội xung quanh.
Thế giới của những người mang tổn thương tâm lý không hề tươi đẹp và rạng rỡ, họ chỉ mong có những giây phút bình yên và không bị tổn thương bởi bất kỳ ai, kể cả chính bản thân họ. Sự dày vò, nỗi tiêu cực sẽ ngày càng bóp nghẹt chính họ và thậm chí họ sẽ nghĩ rằng những hành vi tiêu cực đó là đúng với bản thân. Họ sẽ nghĩ rằng bản thân là người tồi tệ, thấp kém và không xứng đáng với những điều tươi đẹp, dẫn đến họ tự miệt thị và làm tổn thương chính mình.
Nếu không được phát hiện và ứng phó kịp thời sẽ khiến nạn nhân gia tăng nguy cơ đối mặt với trầm cảm, rối loạn căng thẳng sau chấn thương. Trong một số nghiên cứu khoa học đã nhận thấy rằng, những đứa trẻ từng bị bạo hành bằng lời nói ở trường học hoặc ở nhà sẽ có nguy cơ bị rối loạn trầm cảm và lo âu cao hơn sau khi trưởng thành.
Ứng phó với bạo lực ngôn từ: Thoát khỏi những tổn thương
Nhận thức được bản thân là nạn nhân của bạo lực ngôn từ, bạn cần trở nên mạnh mẽ và có thể tham khảo một số cách dưới đây để bảo vệ bản thân khỏi những tổn thương.
Thể hiện rõ quan điểm bản thân và yêu cầu đối phương chấm dứt những lời nói gây tổn thương đến bạn
Trong nhiều trường hợp, nạn nhân khi bị bắt nạt sẽ im lặng và chịu đựng. Tuy nhiên việc làm đó chỉ khiến cho những đối tượng bạo hành tiếp tục tấn công bạn. Do đó, để thoát khỏi tình trạng này, bạn cần có một thái độ mạnh mẽ và gay gắt hơn. Bạn có thể đề nghị họ chấm dứt những lời nói tiêu cực, thậm chí dứt khoát rời đi nếu đối phương vẫn tiếp tục hành vi của mình.
Tránh xa các mối quan hệ độc hại
Việc duy trì các mối quan hệ độc hại, chỉ khiến tâm trạng bạn trở nên nặng nề và tiêu cực hơn bởi những người này thường không thể thấu hiểu, thiếu khả năng lắng nghe, và có tính ích kỷ cao. Vì vậy, khuyến khích bạn tìm cách tránh xa những người này, và nếu có thể, cắt đứt mối quan hệ.
Trong một vài trường hợp khó có thể cắt đứt được mối quan hệ thân thiết như: cha mẹ, vợ chồng, anh chị em,… bạn hãy mạnh mẽ và khi cần thiết hãy thu thập những bằng chứng bạo lực để nhanh chóng thoát ra khỏi mối quan hệ này.
Học cách phớt lờ những tiêu cực
Ngoài ra, bạn cũng có thể học cách phớt lờ và không để tâm quá nhiều đến những điều tiêu cực. Bạn hãy cố gắng độc lập về mặt cảm xúc. Ngừng quan tâm đến những điều mà họ nói, hãy bỏ ngoài tai những câu nói chỉ trích, chê bai, chì chiết tiêu cực. Nếu những lời nói của họ không mang tính chất xây dựng thì bạn hãy lờ đi và đừng cố gắng suy nghĩ vì những việc đó.
Bên cạnh đó, bạn cũng hãy rèn luyện thái độ mạnh mẽ trước những điều tiêu cực. Nếu đôi lúc cảm thấy buồn chán và mệt mỏi vì những lời nói ác ý thì bạn hãy tự cho bản thân một chút thời gian thư giãn để tâm trạng nhanh chóng trở lại trạng thái ổn định.
Tìm kiếm sự giúp đỡ từ những người cho bạn cảm giác an toàn
Thay vì một mình chịu đựng những điều tiêu cực, bạn hãy mở lòng và tâm sự với những người mà bạn cảm thấy tin tưởng. Việc chia sẻ sẽ giúp bạn cảm thấy đỡ bức bối trong lòng, cảm thấy được đồng cảm và nhận được nhiều lời khuyên chân thành.
Tìm gặp chuyên gia tâm lý
Trong trường hợp cần thiết, bạn cũng có thể đến gặp chuyên gia tư vấn về tâm lý để nhận được những lời khuyên hữu ích. Qua các buổi trò chuyện, họ có thể giúp bạn giải quyết vấn đề tâm lý, giảm bớt áp lực, và trở nên tích cực hơn.
Chuyên gia tâm lý cũng sẽ hướng dẫn bạn cách kiểm soát cảm xúc và phát triển kỹ năng để đối mặt với bạo hành ngôn ngữ. Để đạt được kết quả tốt nhất, hãy thoải mái chia sẻ và tin tưởng chuyên gia tâm lý, và tuân thủ liệu trình trị liệu của họ để khắc phục tổn thương tâm lý.
Chúng tôi hiểu được trải qua bạo lực bằng ngôn ngữ là không hề dễ dàng. Những nạn nhân của bạo lực ngôn từ đã trải qua những tổn thương và cảm xúc tiêu cực. Tuy nhiên, chỉ cần rèn luyện một thái độ dứt khoát, cởi mở sẽ giúp bạn sớm được chữa lành. Bạn cũng cần hiểu rằng có rất nhiều người sẵn sàng được giúp đỡ bạn.
Nếu nhận thấy bản thân, người thân, bạn bè đang phải chịu đựng bạo lực ngôn từ hoặc có triệu chứng bất thường ảnh hưởng đến tâm lý cần đưa họ đến gặp bác sĩ tâm lý ngay để được tư vấn và điều trị. Trên hết, sự đồng cảm, quan tâm, lắng nghe đến từ gia đình và bạn bè là động lực quan trọng giúp bệnh nhân có thể cải thiện bệnh tốt hơn.
____________
CÔNG TY ƯDNL TÂM THỂ P.E.R.G tại Việt Nam
Địa chỉ: Số 91B – ngõ 25 Vũ Ngọc Phan – Láng Hạ – Đống Đa – Hà Nội
Điện thoại: 0973.533.248 – 0247.300.0785
Fanpage: PERG hỗ trợ điều trị TRẦM CẢM , RỐI LOẠN LO ÂU
LIỆU PHÁP TÂM THỂ P.E.R.G
GIÚP BẠN CHUYỂN HÓA MỌI CẢM XÚC TIÊU CỰC THÀNH TÍCH CỰC!
Nếu bạn muốn tìm hiểu rõ hơn về liệu pháp tâm thể PERG, bạn có thể tham khảo trang web dưới đây: