Trẻ bị ám ảnh tâm lý liệu có phải do bạo lực học đường?

  04/05/2024

Bạo lực học đường vẫn luôn là một vấn đề nghiêm trọng tại Việt Nam. Bạo lực học đường không chỉ để lại những nỗi đau thể xác mà, nghiêm trọng hơn là những ám ảnh tâm lý do bạo lực học đường trong suốt cuộc đời nạn nhân. Vậy làm thế nào để giúp nạn nhân của tình trạng này vượt qua nỗi sợ? Hãy cùng Tâm lý PERG tìm hiểu qua bài viết dưới đây!

Bạo lực học đường là gì?

Bạo lực học đường là hành vi bao gồm bắt nạt, xâm hại, hoặc tấn công một cá nhân hoặc một nhóm cá nhân tại môi trường học tập. Mọi người đều có thể trở thành nạn nhân của bạo lực học đường, không phụ thuộc vào gia đình, thành tích học tập, hay tính cách. Tuy nhiên, những em học sinh dễ trở thành nạn nhân bị bắt nạt thường là những em yếu thế, hiền lành, nhút nhát, hoặc có hoàn cảnh gia đình khó khăn, mồ côi, hoặc có ngoại hình khác biệt.

Bạo lực học đường có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân, bao gồm sự ganh ghét, đố kỵ giữa bạn bè. Ví dụ, xảy ra xô xát giữa bạn bè vì cạnh tranh về điểm số, hoặc một nhóm học sinh có thể bắt nạt một bạn cùng lớp vì bạn đó nhận được sự ưu ái đến từ giáo viên.

Các hình thức bạo lực học đường

Bạo lực ngôn từ (verbal bullying)

Đây là hành vi sử dụng lời nói hoặc từ ngữ mang tính xúc phạm, miệt thị, châm chọc, hoặc đe dọa đối với nạn nhân. Các lời bình luận không tôn trọng về ngoại hình, cách hành xử, tính cách của nạn nhân thường được sử dụng trong bạo lực này.

Bạo lực thân thể (physical bullying)

Đây là mọi hành động tiếp xúc thân thể không mong muốn giữa kẻ bắt nạt và nạn nhân. Hành động này bao gồm việc nắm, giật tóc, khạc nhổ nước bọt, xô đẩy, tát, đấm đá, và có thể gây ra vết thương trên cơ thể hoặc để lại hậu quả lâu dài như sẹo, và trong những trường hợp nghiêm trọng, có thể dẫn đến tàn tật vĩnh viễn. Bạo lực thân thân và bạo lực lời nói là những hình thức bạo lực học đường phổ biến, gây ảnh hưởng đến tâm lý nạn nhân.

Bạo lực xã hội (social bullying)

Loại bạo lực này thường thông qua việc nói xấu, lan truyền tin đồn, châm biếm, và làm bẽ mặt đối tượng trước bạn bè xung quanh. Mục đích của bạo lực xã hội là cô lập và tách biệt nạn nhân ra khỏi nhóm, lớp học hoặc trường.

Bạo lực tâm lý (psychological bullying)

Đây là những hành vi nhằm gây tổn thương tinh thần cho nạn nhân. Người bắt nạt có thể thao túng tâm lý của nạn nhân để gây căng thẳng, làm mất tự tin, giá trị bản thân. Loại bạo lực này được xem là nguy hiểm vì nhiều nạn nhân không nhận biết được họ đang bị bắt nạt, và có thể ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe tinh thần và thể chất.

Bạo lực mạng (cyber bullying)

Loại bạo lực này diễn ra thông qua các nền tảng mạng xã hội, bao gồm việc nói xấu, lăng mạ, bình phẩm, hoặc phổ biến thông tin riêng tư, hình ảnh của người khác. Bạo lực mạng có thể xảy ra mọi lúc và đôi khi chỉ nạn nhân và kẻ bắt nạt biết về nó.

“Bóng đen” mang tên bạo lực học đường ám ảnh đến tâm lý nạn nhân

Ám ảnh tâm lý do bạo lực học đường là điều không thể tránh khỏi, ngay cả từ phía những đứa trẻ bắt nạt hay những nạn nhân bắt nạt sẽ đều vô hình tạo nên những tâm lý không tích cực.

Những nạn nhân ám ảnh tâm lý do bạo lực học đường

Không chỉ là những nỗi đau thể xác, mà đó còn là những nỗi ám ảnh về tinh thần. Trong thời gian dài, nạn nhân của bạo lực học đường sẽ trở nên sợ hãi, hoảng loạn, và thậm chí có thể dẫn đến lo âu, trầm cảm và sợ đến trường. Từ đó, trẻ sẽ có xu hướng muốn thu mình lại, giảm thành tích học tập trên trường và xa lánh các mối quan hệ xung quanh.

Tình trạng bạo lực học đường kéo dài cũng làm tăng tỷ lệ trẻ em bỏ học và ảnh hưởng đến triển vọng tương lai của trẻ, gia đình và cả xã hội. Khi bạo lực diễn ra và được chứng kiến ​​bởi nhiều người, trẻ em không nhận được sự giúp đỡ, họ có thể trở nên tự ti và mất niềm tin vào mọi người xung quanh. Bên cạnh việc dễ mắc các hội chứng tâm lý nghiêm trọng, bạo lực học đường kéo dài còn khiến trẻ dễ nghĩ tới việc tự kết liễu bản thân để giải thoát cho chính mình!

Đối với những trẻ gây ra nỗi đau cho người khác

Khi còn đang độ tuổi nhận thức về hành vi và cuộc sống, đôi lúc trẻ sẽ không nhận thấy hết được tác hại mà mình gây ra. Nếu bị tố cáo hành vi bắt nạt, trẻ sẽ phải đối mặt với hình phạt từ phía nhà trường hoặc, trong trường hợp nghiêm trọng hơn, họ có thể phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu đã đủ tuổi vị thành niên. Hơn nữa, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trẻ em có hành vi bắt nạt kéo dài thường trải qua tâm lý không ổn định. Do đó, họ có thể gặp khó khăn trong các mối quan hệ và có xu hướng hành xử tiêu cực, thậm chí là bạo hành với bạn đời và con cái khi trưởng thành. Trong sự nghiệp, những người này cũng thường gặp khó khăn để phát triển bản thân và duy trì một công việc ổn định.

Làm thế nào khi con bạn ám ảnh tâm lý do bạo lực học đường

Chia sẻ và hiểu biết

Hãy chú ý đến bất kỳ biểu hiện nào không bình thường ở trẻ, cả về tâm lý lẫn thể chất. Luôn thể hiện sự kiên nhẫn khi trò chuyện và hỏi han như một người bạn, sẵn sàng ủng hộ và đi cùng với trẻ trong mọi tình huống. Xây dựng một môi trường tin tưởng để trẻ có thể chia sẻ những cảm xúc và câu chuyện của mình. Sự lạnh nhạt và giận dữ chỉ làm cho trẻ cảm thấy sợ hãi và đóng kín bản thân hơn.

Tìm kiếm sự giúp đỡ từ những người liên quan

Tùy thuộc vào từng tình huống và hoàn cảnh, phụ huynh có thể hợp tác với giáo viên để xem xét và giải quyết vấn đề, đặc biệt là khi có dấu hiệu của bạo lực học đường. Giáo viên có thể can thiệp và hỗ trợ kịp thời, tránh những tình huống tồi tệ nhất. Ngoài ra, nếu cần, phụ huynh có thể gặp trực tiếp phụ huynh của trẻ bắt nạt. Bằng tinh thần hòa giải, họ có thể cùng nhau tìm hiểu nguyên nhân của vấn đề để tìm ra giải pháp. Tránh tạo ra mâu thuẫn và xung đột, vì điều đó có thể dẫn đến việc chuyển lớp hoặc trường.

Dạy con biện pháp tự vệ trước công kích

Phụ huynh có thể hướng dẫn con cách gọi cứu giúp khi cần thiết và tránh những nơi vắng vẻ hoặc ít người qua lại. Nếu có thể, hãy cho trẻ tham gia các lớp võ thuật để cải thiện sức khỏe và sự tự tin, đồng thời học cách tự vệ. Hoạt động ngoại khóa cũng là cách tốt để trẻ trở nên linh hoạt hơn, nhận thức tốt hơn và có thể đối phó với mọi tình huống.

Nếu con bạn là những kẻ bắt nạt thì nên làm thế nào?

Tìm hiểu nguyên nhân

Khi phát hiện con mình có hành vi bắt nạt, hãy trò chuyện nhẹ nhàng và thấu hiểu với con để có thể hiểu rõ vấn đề. Cho trẻ biết rằng bạn luôn sẵn lòng lắng nghe và hiểu những khó khăn mà họ đang phải đối mặt. Thông qua cuộc trò chuyện, bạn có thể hiểu được nguyên nhân dẫn đến hành vi bắt nạt của trẻ và hướng dẫn họ hành xử đúng đắn hơn, và giúp trẻ hiểu nên đặt mình vào hoàn cảnh của người khác.

Giúp con hiểu và giải quyết

Giải thích cho con biết những hậu quả và tổn thương mà hành vi bắt nạt có thể gây ra. Khuyến khích con cảm thấy hối tiếc và muốn thay đổi hành vi của mình thành tích cực hơn, cũng như bù đắp cho nạn nhân. Bạn có thể giúp con gặp gỡ nạn nhân để trực tiếp xin lỗi và thể hiện lòng thành. Việc chấp nhận và thay đổi từ những sai lầm là điều vô cùng quan trọng.

Dạy con

Cha mẹ cũng nên thay đổi trong cách dạy con chẳng hạn như:

  • Tôn trọng người khác: Hướng dẫn trẻ hiểu rằng tôn trọng không chỉ dành cho người lớn mà còn phải áp dụng đối với mọi người xung quanh, bao gồm cả bạn bè và những người nhỏ tuổi hơn. Bạn có thể dạy trẻ cách giao tiếp lịch sự và tôn trọng bằng cách sử dụng các từ ngữ như “xin lỗi” và “cảm ơn”.
  • Kiểm soát cảm xúc: Trẻ bắt nạt thường khó kiểm soát cảm xúc của mình, đặc biệt là cảm xúc tiêu cực như sự tức giận. Hãy hướng dẫn trẻ cách xử lý cảm xúc bằng cách khuyến khích họ rời khỏi tình huống khi họ cảm thấy tức giận, để họ có thể bình tĩnh lại và suy nghĩ cách giải quyết vấn đề một cách hòa bình hơn.
  • Tạo môi trường gia đình tích cực: Xem xét lại môi trường gia đình của bạn để đảm bảo rằng nó là một nơi lý tưởng để trẻ học hỏi những giá trị tích cực. Cha mẹ cần nhận biết rằng hành vi của họ có thể ảnh hưởng đến con cái từ các hành động và cách xử lý trong các mối quan hệ. Hãy tạo ra một môi trường gia đình lành mạnh và tích cực, nơi mọi người đều được đối xử tử tế và tôn trọng.

Bạo lực học đường là vấn đề đang ngày càng phổ biến. Trong quá trình nhận thức, trẻ có thể làm tổn thương hoặc bị tổn thương bởi bạn bè xung quanh. Chính vì thế, cha mẹ cần có sự quan sát, chăm sóc cho trẻ để trẻ có thể phát triển lành mạnh và tích cực. Cha mẹ cũng có thể tìm gặp đến các chuyên gia tâm lý để được giúp đỡ và có thể xây dựng phương pháp điều trị phù hợp cho trẻ.

Nếu nhận thấy bản thân, người thân, bạn bè đang rơi vào tình trạng suy giảm trí nhớ do căng thẳng hoặc có triệu chứng bất thường ảnh hưởng đến tâm lý cần đưa họ đến gặp bác sĩ tâm lý ngay để được tư vấn và điều trị. Trên hết, sự đồng cảm, quan tâm, lắng nghe đến từ gia đình và bạn bè là động lực quan trọng giúp bệnh nhân có thể cải thiện bệnh tốt hơn.

____________

CÔNG TY ƯDNL TÂM THỂ P.E.R.G tại Việt Nam

Địa chỉ: Số 91B – ngõ 25 Vũ Ngọc Phan – Láng Hạ – Đống Đa – Hà Nội

Điện thoại: 0973.533.248 – 0247.300.0785

Fanpage: PERG hỗ trợ điều trị TRẦM CẢM , RỐI LOẠN LO ÂU

LIỆU PHÁP TÂM THỂ P.E.R.G

GIÚP BẠN CHUYỂN HÓA MỌI CẢM XÚC TIÊU CỰC THÀNH TÍCH CỰC!

Nếu bạn muốn tìm hiểu rõ hơn về liệu pháp tâm thể PERG, bạn có thể tham khảo trang web dưới đây:

https://tamlyperg.vn

Icon-Zalo Zalo Icon-Messager Messenger Icon-Youtube Youtube Icon-Instagram Tiktok